Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
16/10/2024 15:23
  
Ảnh nguồn internet
Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trong hàng ngàn năm lịch sử ấy, phụ nữ Việt Nam giữ một vai trò trọng yếu và hiển nhiên trong lịch sử dân tộc.
Phụ nữ Việt Nam vốn sinh ra trong một đất nước với nền văn minh nông nghiệp, dựa trên nền tảng nghề trồng lúa nước và thủ công nghiệp, nên phụ nữ Việt Nam đã trở thành lực lượng lao động chính. Bên cạnh đó, nước ta luôn luôn bị kẻ thù xâm lược, đời sống nghèo khổ. Từ thực tế đó mà người phụ nữ Việt Nam có bản sắc, phong cách riêng: là những chiến sĩ chống ngoại xâm kiên cường dũng cảm; là những người lao động trí óc và lao động chân tay cần cù, sáng tạo, thông minh; người nghệ sỹ bảo vệ, giữ gìn, phát triển bản sắc và tinh hoa văn hoá dân tộc; là người chủ gia đình: dịu hiền, đảm đang, trung hậu, người sản sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng.
Nhưng dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ là lớp người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công nên luôn có yêu cầu được giải phóng và sẵn sàng đi với cách mạng. Ngay từ những ngày đầu chống Pháp, phụ nữ đã tham gia đông đảo vào phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du, còn có nhiều phụ nữ nổi tiếng tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng như: Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Minh Khai...
Vào những năm 1927 - 1930, những tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo tầng lớp như: Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ: Phụ nữ phản đế, Đồng minh phụ nữ hiệp hội, Hội phụ nữ giải phóng…và hình thành nên nhiều nhóm phụ nữ.
- Năm 1927, nhóm các chị Nguyễn Thị Lưu, Nguyễn Thị Minh Lãng, Nguyễn Thị Thủy là ba chị em ở làng Phật Tích (Bắc Ninh) tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, các chị tuyên truyền, xây dựng tổ chức học nghề đăng ten vừa học nghề, vừa học chữ;
- Nhóm chị Thái Thị Bôi có các chị Lê Trung Lương, Nguyễn Thị Hồng, Huỳnh Thuyên tham gia sinh hoạt ở trường nữ học Đồng Khánh;
- Năm 1928, nhóm chị Nguyễn Thị Minh Khai cùng Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị An tham gia sinh Hội đỏ của Tân Việt. Nhóm này liên hệ với chị Xân, chị Thiu, chị Nhuận, chị Liên thành lập tờ Phụ nữ Giải phóng ở Vinh;
- Năm 1930, thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh, ở Nghệ An có 6.066 chị tham gia phụ nữ giải phóng, ở Hà Tĩnh có 6.880 chị cùng nhân dân đấu tranh thành lập chính quyền Xô Viết ở trên 200 xã (Nghệ An) và 172 xã (Hà Tĩnh);
- 400 công nhân nhà máy diêm Bến Thủy bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm, bỏ sưu, giảm thuế (nhà máy có 90% là nữ);
- Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức tiền thân của phụ nữ đã được thành lập với nhiều tên gọi khác nhau như Hội phụ nữ phản đế, Hội phụ nữ cứu quốc, Phụ nữ hiệp hội…phụ nữ tham gia hoạt động cách mạng ngày càng đông đảo và trở thành lực lượng quan trọng;
- Tháng 10/1930, tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng, Đảng đã ra nghị quyết đầu tiên về công tác vận động phụ nữ, đó là Nghị quyết về phụ nữ vận động. Đây là bản Nghị quyết lịch sử, mở đầu cho trang sử mới của phong trào phụ nữ và tổ chức Hội. Bản Nghị quyết nhấn mạnh: “Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một cái lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc tranh đấu cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được. Bởi vậy, nên công tác trong quần chúng phụ nữ không phải là một cái nhiệm vụ phụ thuộc của Đảng; công tác ấy chánh là một cái nhiệm vụ rất lớn và rất trọng yếu”.
Chính vì vậy vào ngày 20/10/1930, Hội phụ nữ chính thức được thành lập. Sự kiện lịch sử này nói lên quan điểm của Đảng ta đối với vai trò của phụ nữ trong cách mạng, đối với tổ chức phụ nữ, đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
Qua các thời kỳ cách mạng có các tổ chức phụ nữ: Hội phụ nữ giải phóng (1930-1931), Hội phụ nữ Dân chủ (1936-1939), Hội phụ nữ Phản đế (1939-1941), Đoàn phụ nữ Cứu quốc (16/6/1941), Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1946), Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (6/1976 – khi nước nhà thống nhất). Dù tên gọi có nhiều thay đổi cho phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, nhưng trước sau vẫn là tổ chức kiên trung của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Ngày 15/10/2010, Ban Bí thư ra thông báo số 382/TB-TW do đồng chí Trương Tấn Sang ký công nhận Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với vai trò của phụ nữ và tổ chức phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng của đất nước. Kể từ đó, ngày 20/10 hàng năm trở thành Ngày Phụ nữ Việt Nam nhằm tôn vinh vai trò của người phụ nữ Việt Nam cho những đóng góp của gia đình và xã hội./.

 
Nguồn bài viết: Theo Bản tin Phụ nữ Bắc Ninh
Thông tin chỉ đạo

Số: Số: 02 /TB-TVHNTDL

Thông báo tuyển sinh năm 2024

Ngày ban hành: 23/02/2024

Số: 01/TB-TVHNTDL

Thông báo nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Ngày ban hành: 31/01/2024

Số: 03/TB-TVHNTDL

Thông báo tuyển sinh

Ngày ban hành: 30/01/2023

Fanpage